Sep 23, 2011

Một góc nhìn về tập đoàn gia đình ở Hàn Quốc

Các tập đoàn kinh tế gia đình tại Hàn Quốc.
[Marketing3k.vn] Tổng thống Lee Myung-bak đã phải rút lại những cam kết cắt giảm thuế cho các tập đoàn gia đình thay vì thuyết phục tập đoàn tài phiệt giành lại sự tôn trọng của người dân bằng việc giúp đỡ thêm nhiều người nghèo. Đây là thời điểm không mấy thuận lợi đối với các “chaebol”, tập đoàn kinh tế gia đình trị ở Hàn Quốc.

Bất bình gia tăng

Ở ngoài nước, họ có thể ngày càng được ghi nhận vì những nỗ lực không mệt mỏi của mình, với những sản phẩm xe hơi, điện thoại di động có tính cạnh tranh trên toàn thế giới. Nhưng theo ghi nhận của tờ nhật báo Chosun Ilbo, ở trong nước, họ lại bị tấn công “như những kẻ thù chung”.

Người dân Hàn Quốc ngày càng gặp khó khăn trong cuộc sống do giá cả tiêu dùng tăng và các khoản nợ gia đình. Trong khi đó, các tập đoàn khổng lồ này lại thu được những khoản lợi nhuận kếch xù và ngày càng mở rộng quy mô quốc tế.

Ông Kim Byoung-kweon, một nhà kinh tế học thuộc Viện nghiên cứu xã hội mới Corea cho rằng: “Người dân cảm thấy bất bình khi thấy các doanh nghiệp lớn tạo lợi nhuận kỷ lục, tung hoành trên các thị trường toàn cầu nhưng đời sống của người dân trong nước thì ngày càng tồi tệ”.

Và trên thực tế, chính các tập đoàn kinh tế gia đình và Chính phủ cũng đang vật lộn với sự bất bình ngày càng tăng khi ngay cả những người hoạch định chính sách trong Quốc hội gọi họ là “quái thú”. Còn các chủ bút tòa báo lại so sánh họ với những “con dã thú” không được thuần dưỡng, chuyên cướp bóc của dân thường cho sự tồn tại của mình.

Chung Mong-joon, một trong những ông chủ doanh nghiệp hàng đầu Hàn Quốc, khi nói đến hình ảnh của các tập đoàn gia đình đã nói rằng: “Nếu bạn thành công ở ngoài nước nhưng lại thất bại trong nước, bạn không thể gọi điều đó là thành công. Các công việc kinh doanh của tôi cũng cần phải xây dựng mối quan hệ với người dân trong nước”.

Ông chủ của Tập đoàn Công nghiệp nặng Huyndai, một tập đoàn đóng tàu lớn nhất thế giới, là một ví dụ điển hình về câu chuyện thành công của tập đoàn kinh tế gia đình trong lĩnh vực công nghiệp khổng lồ. Hiện ông và các đồng nghiệp của mình đang cố gắng thể hiện sự quan tâm đến xã hội.

Hồi tháng trước, ông Chung, cũng là một nhà lập pháp với tham vọng trở thành tổng thống, cùng với những người anh em của mình, đều là các chủ sở hữu các công ty con của Huyndai, đã quyên tặng 1 tỷ won, tương đương 930 triệu USD, để giúp đỡ sinh viên và những người trẻ đang tìm việc làm.

Mặc dù vài năm trước, lời cam kết cho một khoản tiền tài trợ tương tự đã được ông Chung đưa ra nhằm dàn xếp các vụ tai tiếng tham nhũng, nhưng Tổng thống Lee Myung-bak vẫn ca ngợi hoạt động từ thiện như một “sự thay đổi văn hóa” ở đất nước mà những doanh nhân giàu có thường bị cáo buộc chỉ để lại tài sản cho con cháu họ thay vì chia sẻ cho những người khác.

Trong nỗ lực tranh thủ sự ủng hộ của công chúng, hồi đầu tháng này, chính quyền của ông Lee Myung-bak và Đảng Đại dân tộc (GNP) của ông đã tuyên bố, họ sẽ ngừng việc cắt giảm thuế đối với các doanh nghiệp lớn, tăng trợ cấp cho người lao động tạm thời có mức lương thấp và giảm học phí đại học.

Ông Kwon Hyuk thuộc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp tự do cho rằng “Có một xu hướng dễ thấy giữa các nhà chính trị trong việc chỉ trích giới thượng lưu và các tập đoàn gia đình trị để giành lấy phiếu bầu.”

Từ năm ngoái, đảng cầm quyền đã thất bại ở một loạt các cuộc bầu cử địa phương và nghị viện. Đảng đối lập đã nắm lấy sự phân hoá nền kinh tế để kích động cử tri.

Như vậy là, các tập đoàn gia đình ở một số phương diện nào đó lại trở thành nạn nhân của chính thành công đầy tham vọng của họ.

“Há miệng mắc quai”

Trong khi phải vật lộn xây dựng lại nền kinh tế sau cuộc Chiến tranh liên Triều 1950-1953, các nhà cầm quyền quân sự của Hàn Quốc vẫn dành ưu tiên cho một nhóm các gia đình về các khoản hỗ trợ thuế, các khoản vay ưu đãi, chính sách chống lao động, điện giá rẻ và một số trợ cấp khác. Những gia đình này đã trở thành các tập đoàn công nghiệp khổng lồ, và mỗi gia đình điều hành trong tay một nhóm các công ty con. Ông Kim, thuộc Viện Corea, cho rằng chính sách đó đã khiến những người Hàn Quốc tin rằng họ đã tham gia và hy sinh cho những thành công của các tập đoàn gia đình.

Hiện nay, các tập đoàn gia đình như Samsung, Huyndai và LG chiếm đến 70% lượng xuất khẩu của quốc gia này, và chiếm gần một nửa tổng sản phẩm quốc nội. Các tập đoàn này còn thống trị thị trường nội địa ở các lĩnh vực như xe hơi, TV, thẻ tín dụng và điện thoại di động. Các tập đoàn này cũng tự hào khi bắt kịp Nhật Bản, đối thủ lịch sử của Hàn Quốc, trong các ngành công nghiệp như đóng tàu và sản xuất chip điện tử. Tuy nhiên, họ vẫn thường mắc vào những chuyện “thị phi” trong nhiều năm qua, với việc nhiều chủ tịch tập đoàn bị buộc tội hối lộ các chính trị gia, biển thủ quỹ tập đoàn và trốn thuế.

Các chính trị gia, cả trong đảng cầm quyền hay đảng đối lập, đều sử dụng quỹ tài trợ bất hợp pháp trong các chiến dịch tranh cử nhằm giữ cho cỗ máy chính trị của họ được vận hành êm thấm. Đồng thời, họ cũng cố gắng kiểm soát các tập đoàn công nghiệp khổng lồ này ở trung tâm của nền kinh tế thông qua việc yêu cầu tăng cường tính minh bạch trong các hợp đồng tài chính của họ, và công bằng hơn trong việc cạnh tranh với các công ty nhỏ hơn. Tuy vậy, các nỗ lực nhằm thay đổi các tập đoàn gia đình thường bị cản trở bởi mối quan ngại cho rằng việc có quá nhiều quy định kiểm soát có thể gây tổn hại đến toàn bộ nền kinh tế.

Khi ông Lee Myung-bak, cựu thành viên hội đồng quản trị tập đoàn Huyndai trở thành tổng thống vào năm 2008, ông đã cam kết “thân thiện với doanh nghiệp” bằng việc cắt giảm thuế và nới lỏng những quy định hạn chế đối với các tập đoàn lớn, cho rằng thành công của họ sẽ khơi mở phần còn lại của nền kinh tế, tăng cường đầu tư và tạo thêm nhiều việc làm.

Song, những người chỉ trích cho rằng, dưới sự điều hành của chính phủ, khoảng cách giữa các doanh nghiệp lớn và nhỏ, giữa những người giàu và người nghèo, chỉ càng doãng ra.

Thực tế chứng minh, theo số liệu phân tích của Viện Corea, lợi nhuận ròng của các tập đoàn lớn năm ngoái chiếm đến 7,36% doanh thu của họ, trong khi đối với các doanh nghiệp nhỏ hơn, con số đó là 3,46%. Khoảng cách về hiệu suất và tiền lương cũng lớn hơn giữa các tập đoàn gia đình và các doanh nghiệp nhỏ, trong khi các doanh nghiệp nhỏ này tạo ra hơn 90% việc làm ở Hàn Quốc.

Cũng theo Cơ quan thống kê quốc gia Hàn Quốc, trong quý 2 của năm nay, thu nhập gia đình trung bình sau thuế của 20% những người giàu nhất tăng 5,3%, trong khi 20% những người nghèo nhất chỉ tăng gần 1%.

Chính phủ của ông Lee lập luận rằng, nếu tính đến các chương trình phúc lợi xã hội mở rộng của chính phủ, khoảng cách giữa những người giàu và nghèo gần đây đã bắt đầu thu hẹp.

Liên đoàn các tập đoàn công nghiệp Hàn Quốc, đại diện cho các doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc khẳng định, 30 tập đoàn kinh tế hàng đầu ở Hàn Quốc, có nhiều đóng góp trong nền kinh tế, đang tạo việc làm cho hơn 124.000 người trong năm nay, đạt mức tuyển dụng hằng năm lớn chưa từng có và đang đầu tư đến 114,8 triệu won, tăng 14% so với năm ngoái.

Ông Lee Keon-hyok, giám đốc truyền thông toàn cầu của Samsung, tập đoàn gia đình lớn nhất Hàn Quốc nói: “Samsung tin tưởng chắc chắn vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bởi thành công của họ cũng tạo lợi nhuận cho các công ty lớn hơn và cho cả nền kinh tế nói chung.”

Đầu năm nay, Samsung đã ký các thỏa thuận “cùng thịnh vượng” với các đối tác và nhà cung cấp nhỏ, nhằm cung cấp tài chính và hỗ trợ các vấn đề khác.

Dù vậy, các tập đoàn gia đình vẫn phải chật vật để giành được niềm tin của các công ty nhỏ hơn. Theo một bản điều tra của Liên đoàn các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc, mối lo ngại lớn nhất trong giới kinh doanh nhỏ là để khách hàng rơi vào tay của các tập đoàn lớn đang ngày một mở rộng.

Khoả lấp bất bình

Trong những năm qua, các tập đoàn gia đình đã lập ra các công ty nhằm tạo thêm nhiều lợi nhuận khổng lồ thông qua việc chiếm lĩnh các lĩnh vực như dịch vụ hậu cần (logistics), cung ứng phụ tùng và sản phẩm phụ trợ cho các công ty con của tập đoàn mẹ. Họ cũng gây khó khăn cho các gia đình đang kiếm sống ở các chợ truyền thống và các cửa hàng nhỏ lẻ bằng chuỗi các cửa hàng bán lẻ và bán sỉ của mình.

Ông Chung Mong-koo, Chủ tịch tập đoàn ôtô Huyndai-Kia, một trong những công ty sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới, cảm thấy xúc động khi biết được hoàn cảnh khó khăn của các sinh viên đại học đang phải chịu nhiều gánh nặng học phí, nên muốn trao cho họ niềm hy vọng bằng khoản học bổng 500 triệu won.

Nhưng không phải tất cả người Hàn Quốc đều ấn tượng với việc làm này.

Một số thành viên của các tập đoàn gia đình này đã cam kết các khoản từ thiện lớn để đổi lại các bản án nhẹ nhàng hơn sau khi bị kết tội tham nhũng.

Năm 2007, khi bị buộc tội biển thủ công quỹ, Chủ tịch tập đoàn Hyundai-Kia đã tìm cách mua chuộc quan tòa bằng việc cam kết khoản từ thiện 840 triệu won đến năm 2013. Kết quả là ông đã được hưởng án treo. Với việc thực hiện khoản từ thiện của mình hồi tháng trước, ông đã hoàn thành phần nào cam kết của mình.

Ông You Jong-il, thuộc trường Quản lý và chính sách công K.D.I, một trong những người dám thẳng thắn chỉ trích các tập đoàn gia đình, gọi đó là “mua chuộc xã hội”.

Ông You nói: “Sẽ rất tốt nếu các tập đoàn chia lại một phần lợi nhuận của mình cho xã hội”, “Nhưng điều trước hết họ nên làm chính là tôn trọng luật pháp và cạnh tranh công bằng”.
Theo NhanDan - THU VĨNH (lược từ báo nước ngoài)