Aug 15, 2011

Nhu cầu tiêu dùng yếu và chiến lược định vị

[Marketing4u.vn] Từ nhà sản xuất nước ngọt đến các công viên giải trí, hãng sản xuất ô tô, nhà cung cấp dịch vụ cáp ti vi, tất cả doanh nghiệp khắp thế giới đều nhận thấy sự suy yếu trong nhu cầu tiêu dùng của khách hàng.



Giám đốc điều hành Pepsi cho rằng doanh nghiệp cần thêm nhu cầu cho sản phẩm của họ trước khi bắt đầu đầu tư mở rộng.

Giá cổ phiếu của hãng Walt Disney tuần qua giảm do lo ngại sự suy yếu về nhu cầu có thể làm tổn hại đến việc kinh doanh. Hãng Honda cho biết khả năng mua bán xe hơi đình trệ sẽ dẫn đến việc xem xét lại bảng dự báo kinh doanh. Còn hãng Cablevision Systems tuyên bố khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ đang ít dần.

Doanh nghiệp cảnh báo

Đã có nhiều cảnh báo từ các doanh nghiệp sau vụ hạ bậc tín dụng của Mỹ vào ngày 5-8 cùng với hai tuần suy giảm của thị trường chứng khoán toàn cầu khi các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu để chuyển sang vàng và các kênh kinh doanh vốn khác. Thêm vào đó, ba nước châu Âu gồm Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha buộc phải tìm hỗ trợ từ Liên minh châu Âu (EU), còn chi phí vay ở Ý và Tây Ban Nha tăng mạnh vào tháng trước làm gia tăng mối lo ngại nhu cầu tiêu dùng sụt giảm và thất nghiệp lan rộng. Niềm tin của doanh nghiệp nhỏ trong tháng 7-2011 giảm năm tháng liền khi triển vọng kinh doanh không sáng sủa.

Khan hiếm việc làm góp phần gia tăng khủng hoảng. Tại Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp trên 9% trong bốn tháng qua. Tại Tây Ban Nha, tỷ lệ này cao hơn gấp đôi ở mức 20,9%. “Tất cả chúng ta đều lo lắng với thứ tạm gọi là cuộc khủng hoảng kép dù nghĩ rằng châu Âu và Mỹ có thể tránh nó” – chuyên gia Alvarez-Miranda phát biểu trong cuộc phỏng vấn. “Ngay bây giờ, không ai biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo”.

Đối với nhà sản xuất ô tô lớn thứ ba của Nhật Bản - Honda và hãng sản xuất ô tô lớn nhất của Mỹ - General Motors (GM), tình trạng hỗn loạn của thị trường có thể tác động xấu đến kết quả kinh doanh. Honda cho rằng sự rớt giá kéo dài của chứng khoán Mỹ kéo theo sự sụt giảm trong tiêu dùng; còn GM dự báo lĩnh vực kinh doanh xe năm 2011 sẽ lâm vào cảnh nguy hiểm.

“Hiện tại, niềm tin của người tiêu dùng rất yếu” - Phó chủ tịch kinh doanh của GM tại Mỹ Don Johnson nói trong buổi thuyết trình - “Với biến động thị trường chứng khoán gần đây, chúng tôi thấy rất cần phải theo dõi chặt chẽ”.

Không chỉ các nhà sản xuất xe hơi, tình hình thu nhập và dự báo từ hãng đồng hồ Fossil, Cablevision và nhà cung cấp truyền hình vệ tinh Dish Network cũng ì ạch, làm cho cổ phiếu của họ giảm ngay cả khi thị trường đang lên. Cablevision cùng các nhà cung cấp dịch vụ cáp khác đang báo cáo thiệt hại khi thị trường uể oải.

Giám đốc cửa hàng bán lẻ giày tập đoàn DSW cho rằng: “Đây là thời điểm nguy hiểm cho các doanh nghiêp khi bị tê liệt bởi nỗi sợ hãi nên không thể làm gì giúp công ty phát triển”.

IPO bị đình trệ

Vài công ty tư nhân nhắm tới cổ phần hóa phải hoãn IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu tiên). Chẳng hạn như công ty kinh doanh phần mềm điện tử tiêu dùng Sunnyvale thuộc tập đoàn InvenSense tại California hay công ty Cathay Industrial Biotech ở Thượng Hải và công ty cho vay cộng đồng HomeStreet ở Seattle đã phải ngưng IPO.

Hơn 1,5 tỉ đô la Mỹ cổ phiếu đấu giá bị dội ngược trở lại vào tuần trước, đe dọa phá vỡ kế hoạch sẵn sàng cho một năm tốt nhất để IPO kể từ năm 2007. “Chắc chắn sẽ có một cuộc nâng lên về chất lượng của các công ty tham gia cổ phần hóa” - Sunil Dhaliwal tại Battery Ventures (Boston) cho biết.

Chiến lược định vị

Không phải tất cả mọi doanh nghiệp đều lo lắng. Một số doanh nghiệp cho rằng thị trường đi xuống tạo cơ hội cho doanh nghiệp mua lại cổ phiếu như công ty xây dựng cổ phần hóa lớn nhất tại Mỹ Fluor và Softbank (Nhật Bản).

Giám đốc điều hành của hãng Constellation Brands, nhà sản xuất rượu vang lớn thứ hai thế giới sau E. & J. Gallo Winery, cho biết khách hàng của hãng vẫn tiếp tục mua rượu vang dù suy thoái, chỉ khác là họ mua rượu tại cửa hàng thay vì phải trả giá cao tại nhà hàng.

Các công ty có khách hàng là doanh nghiệp cũng lạc quan hơn so với những công ty chỉ dựa vào người tiêu dùng. Santa Clara, thuộc tập đoàn Intel ở California, chuyên bán các con chip được sử dụng trong trung tâm dữ liệu máy tính cá nhân, đang hưởng lợi khi khách hàng nâng cấp cơ sở hạ tầng của họ, giám đốc tài chính Stacy Smith cho biết.

Rackspace Hosting, công ty cung cấp các máy chủ và lưu trữ trên mạng cho các công ty khác, vẫn đang phát triển khi khách hàng chuyển sang sử dụng điện toán đám mây, Giám đốc chiến lược của hãng Lew Moorman cho biết. Không giống ba năm trước đây, sự sụt giảm giảm trên thị trường này không làm tê liệt nền kinh tế, ông Moorman nói.

“Bạn phải kích thích để phát triển nhu cầu tiêu thụ” - Giám đốc bán hàng của Pepsi tại New York Indra Nooyi chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn. “Chỉ khi nào chúng ta khơi dậy được nhu cầu tiêu dùng căn bản thì việc đầu tư sẽ không bị gián đoạn”.

Các chuyên gia cho biết đang tìm giải pháp để phục hồi nhu cầu tiêu dùng và khuyến khích doanh nghiệp chi tiêu, ngay cả khi chính phủ Mỹ có những điều chỉnh sau khi rớt hạng tín dụng. Việc hạ bậc tín dụng dẫn đến việc lãi suất tăng lên, chí phí vay với doanh nghiệp tăng, bất lợi cho phát triển kinh tế và việc làm.